Trong nhiều năm liền, ngành dịch vụ ăn uống F&B luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam và mang nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo dự báo, ngành F&B tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng từ 5-6% giai đoạn 2020 - 2025.
Song, đại dịch Covid-19 khiến hầu hết kế hoạch dự tính gần như "phá sản". Đáng chú ý, khi nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, những chỉ số tăng trưởng có nguy cơ giảm mạnh và âm.
Ngành F&B đang phải chịu nhiều tổn thất đặc biệt nặng nề. Hàng loạt các chủ quán cà phê, nhà hàng... lao đao khi nguồn thu offline không còn, trái lại còn phải duy trì chi phí thuê mặt bằng chờ cơ hội sau dịch - thời điểm chưa biết sẽ đến lúc nào.
Tháng 7/2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% so với tháng trước đó và giảm 53,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 243,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng mức và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 18,9%).
Nhiều startup trong ngành còn đứng trước nguy cơ phá sản do chưa có đủ tiềm lực để đối mặt với làn sóng Covid-19 tái bùng phát lần thứ 4. Ngay cả khi đã có sự chuẩn bị, việc gồng mình bảo vệ doanh nghiệp cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Trong 7 tháng đầu năm, đã có đến 646 doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống hoàn tất thủ tục giải thể. Nếu nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng CPI thời gian qua, thì CPI tháng 7 vẫn tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020.
Tuy nhiên, mức tăng này là bởi người dân có tâm lý lo ngại thiếu hàng hóa đã tăng cường tích trữ; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới và giá điện sinh hoạt tăng theo nhu cầu sử dụng trong mùa nắng nóng.
Thực tế, trong mức tăng 0,62% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 so với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67% đã làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm. Điều này là do nhu cầu tích trữ hàng hóa của người dân tại một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng đột biến làm giá lương thực, thực phẩm tăng.
Trong đó, lương thực tăng 0,36%; thực phẩm tăng 0,95%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát trong mùa hè tăng cao cùng với giá thuốc lá tăng 0,43% do nguồn cung giảm.
Như vậy, CPI dù tăng nhưng không thể thể hiện rõ tác động của Covid-19 đối với lĩnh vực F&B. Nhất là khi dù toàn ngành bị tác động đáng kể, nhưng mức độ ảnh hưởng với các doanh nghiệp là khác nhau, đặc biệt các "ông lớn" trong ngành vẫn có khả năng thích nghi cao hơn. Điển hình như Golden Gate, 6 tháng đầu năm tập đoàn này vẫn nghi nhận doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như Sabeco, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 13.087,5 tỷ đồng, tăng 9%; lợi nhuận gộp đạt gần 3.975 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận trước thuế đạt 2.535 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn dung, dù các "ông lớn" trong ngành có ghi nhận kết quả khả quan, thì triển vọng ngành trong ngắn hạn vẫn tương đối mờ mịt. Hàng loạt doanh nghiệp cả vừa và nhỏ, lẫn doanh nghiệp lớn đều buộc phải đóng cửa tạm thời hơn 3 tháng nay, hầu hết ở khu vực phía Nam, sẽ tác động vô cùng nặng nề đến kết quả kinh doanh cả năm.
Thậm chí, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, ngay cả việc áp dụng công nghệ với các giải pháp đặt món không tiếp xúc, quản lý bán hàng online, lập website bán hàng... cũng chưa chắc có thể bù đắp lại những thiệt hại đối với lĩnh vực này.
Theo cafebiz.vn
>> Agoda tiết lộ xu hướng du lịch sau đại dịch: 60% du khách Việt lạc quan du lịch nội địa sẽ “cất cánh
>> Đến lúc tính chuyện 'mở cửa' kinh tế TP.HCM: Hộ kinh doanh 'kiệt sức'