Doanh nghiệp F&B tìm cách vượt hạn mùa dịch

Tin tức

Doanh nghiệp F&B tìm cách vượt hạn mùa dịch

    Yến Nhi (TP Thủ Đức) cho biết, 15 ngày giãn cách xã hội sẽ là khoảng thời gian dài nhất từ trước đến nay. Chị không uống trà sữa vì các quán quen đều đóng cửa hoàn toàn. Nhưng đến sáng 15/7, trong lúc đi mua thực phẩm tại VinMart+ gần nhà, chị bất ngờ khi thấy ki-ốt Phúc Long khai trương ngay trong cửa hàng.

    "Tôi nghiện trà sữa đến mức mỗi ngày phải uống một ly mới chịu nỗi. Vì thế, tôi rất vui khi vẫn mua được thức uống yêu thích trong mùa dịch", chị nói.

    Từ 12-15/7, trong giai đoạn TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chuỗi đồ uống này vẫn khai trương 27 điểm bán dưới dạng kiosk đặt trong các cửa hàng VinMart+. Đây là kết quả của việc một công ty con thuộc Tập đoàn Masan, đơn vị chủ quản chuỗi VinMart+, mua lại 20% vốn Công ty cổ phần Phúc Long Heritage.

    Một kiosk Phúc Long tại cửa hàng VinMart+ (Long Trường, TP Thủ Đức). Ảnh: Tất Đạt.

    Một kiosk Phúc Long tại cửa hàng VinMart+ (Long Trường, TP Thủ Đức). Ảnh: Tất Đạt.

    Cũng tìm cách linh hoạt trong kinh doanh, hơn 10 ngày qua, chuỗi bún đậu mắm tôm Đậu Homemade duy trì kinh doanh thực phẩm trữ đông như chả cốm, nem cua bể, chả nọng heo, nem ốc, nem cốm... Kế hoạch trên được đưa ra chỉ sau một ngày doanh nghiệp này đóng toàn bộ nhà hàng, giữ lại bếp chính với số lượng nhân viên tối thiểu, triển khai xét nghiệm thường xuyên và tổ chức "3 tại chỗ".

    Việc bán các sản phẩm trữ đông và sơ chế giúp Đậu Homemade có doanh thu khoảng 10-15% so với trước. Quan trọng hơn, cách kinh doanh trên giúp doanh nghiệp vẫn tạo được một số việc làm, giảm áp lực thất nghiệp cho lao động, tạo dòng tiền duy trì doanh nghiệp và giữ "sự sống" cho thương hiệu. "Việc duy trình kinh doanh cũng góp phần nhỏ cung cấp thực phẩm cho thành phố. Bếp chính của chúng tôi cũng chung tay tham gia các hoạt động nấu cơm thiện nguyện", đại diện đơn vị này nói.

    Thời gian qua, giao hàng là vấn đề khó khăn nhất. Đậu Homemade có nhân viên tự giao sản phẩm cho khách theo các tuyến đảm bảo trong cùng khu vực. Tuân thủ quy định 5K, tất cả khâu thanh toán đều qua kênh trực tuyến. Khi giao hàng, nhân viên đặt túi trước cửa và tuyệt đối giữ khoảng cách với khách hàng. Với khu vực xa hơn, doanh nghiệp này kết hợp dịch vụ đi chợ hộ của các đối tác thứ ba. Một điểm khó khác là với khách hàng trong các khu vực phong tỏa, chiếm số lượng không ít, nhân viên phải đợi hoặc gửi sản phẩm từ ngoài vào khu vực, mất nhiều thời gian.

    Nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết không thể hòa vốn vì đội thêm nhiều chi phí. Chi phí đầu vào nguyên liệu tăng rất cao do nguồn cung khan hiếm. Trước đó, doanh nghiệp này đã tự phát triển trang trại rau riêng tại Đạ Huoai (Lâm Đồng) từ năm 2018, nhưng giai đoạn này đưa nguyên liệu về thành phố rất khó. Phí vận chuyển lương thực cho khách cũng tăng do giá xăng tăng, chiết khấu cho đối tác, chi phí xét nghiệm, tổ chức ăn ở tại chỗ cho nhân viên.

    "Được như vậy đã là vô cùng quý giá!", đại diện Đậu Homemade nói.

    Từ chỗ đang kinh doanh bình thường, đến phục vụ 20-30 khách hàng, rồi chỉ được phép bán mang về và cuối cùng chỉ được cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, các doanh nghiệp cho rằng, cánh cửa sinh tồn của doanh nghiệp F&B cứ hẹp dần.

    Đậu Homemade chuyển sang bán thực phẩm trữ đông để duy trì doanh nghiệp. Ảnh: Facebook Đậu Homemade.

    Đậu Homemade chuyển sang bán thực phẩm trữ đông để duy trì doanh nghiệp. Ảnh: Facebook Đậu Homemade.

    Không chỉ Phúc Long và Đậu Homemade, nhiều doanh nghiệp F&B khác đang tìm cách "vượt hạn" trong giai đoạn khó khăn. Chuẩn bị tinh thần sống chung với dịch ít nhất đến giữa năm 2022, The Coffee House đã lên trước kịch bản đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh. Trong tháng 6, chuỗi đồ uống ra mắt thị trường các sản phẩm cà phê sữa đá hòa tan, dạng gói 3in1, cà phê sữa đá đóng lon... Các sản phẩm được phân phối tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặt hàng trên ứng dụng của chuỗi, các nền tảng thương mại điện tử.

    Tận dụng đội ngũ giao hàng nội bộ sẵn có, các chuỗi đồ ăn và thức uống vẫn duy trì việc giao hàng. Một nhà hàng chay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) cho biết, thời gian qua vẫn bán đơn gia đình với những khách hàng thân thiết đã có thông tin liên hệ. Chủ nhà hàng khẳng định, chú trọng tuân thủ nguyên tắc 5K, nhân viên đều xịt khử khuẩn trước, trong và sau khi giao hàng cho khách. Trước đó, nhà hàng đã cho xét nghiệm toàn thể nhân viên để đảm bảo an toàn. Một số đơn vị khác cũng áp dụng giao hàng nội bộ nhưng tinh giản sản phẩm so với ngày thường. Trong giai đoạn khó khăn nhưng nhiều chuỗi đồ ăn, thức uống vẫn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi để kích cầu.

    Số liệu của Cục thống kê TP HCM cho thấy, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm liên tiếp trong hai tháng gần đây, ước tính tháng 6 chỉ đạt 3.905 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Tính chung quý II, doanh thu nhóm ngành này đạt 15.079 tỷ đồng, giảm 26% so với quý đầu năm. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống trong tháng 6 lần lượt giảm 3,1% và 11,2% so với tháng trước đó. Riêng chỉ số sản xuất đồ uống của quý II giảm đến 20,5% so với cùng kỳ.

    Thời gian qua, bên cạnh việc cầu cứu cơ quan nhà nước hỗ trợ thuế và bảo hiểm, cộng đồng doanh nghiệp F&B tại TP HCM đang nỗ lực tìm cách sống sót qua đợt dịch lần thứ 4. Từ chủ những hàng quán nhỏ lẻ đến các chuỗi đồ ăn, thức uống phủ khắp thành phố, tất cả đều kỳ vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi và các căn bếp ở TP HCM sớm ngày đỏ lửa.

    Theo vnexpress.net

    GỌI NGAY CHAT ZALO MESSENGER