Kinh doanh cà phê là một lĩnh vực được nhiều người quan tâm trong vài năm trở lại đây. Song cũng như những lĩnh vực kinh doanh khác, kinh doanh quán cà phê thực sự là một cuộc chiến.
Nếu không có sự chuẩn bị cũng như khả năng tính toán và linh động tốt thì rất khó để bám trụ lại được. Theo thông tin từ chuyên trang FnB, dưới đây là các bước bạn cần phải quan tâm trước khi bắt đầu mở cửa hàng cà phê.
Lập kế hoạch kinh doanh quán cà phê
Việc đầu tiên khi bạn chuẩn bị mở quán cà phê là lên ý tưởng, xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu. Xác định các yếu tốt như độ tuổi, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt… Từ đó, bạn xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để tiếp cận nhóm khách hàng đó. Đồng thời, lựa chọn phong cách cho quán.
Một số mô hình quán cà phê mà bạn có thể tham khảo là cà phê sách, cà phê cóc, cà phê take away, cà phê sân vườn…Đây là những mô hình khá phổ biến và được yêu thích. Nhưng giữa thị trường quán cà phê bát nháo, tìm cho mình một chỗ đứng cần phải có nghệ thuật và sự đầu tư nghiêm túc. Nếu chịu khó để ý, bạn sẽ thấy hiện tại những quán cà phê thu hút khách là những quán có "gu". Gu ở đây là concept của quán, cách thiết kế quán, view đẹp… nên hãy cân nhắc thật kỹ concept nào mà bạn có lợi thế để gia nhập thị trường.
Nhượng quyền thương hiệu cũng được nhiều người cân nhắc thay vì tự xây dựng thương hiệu riêng như trước đây.
Dự trù tài chính
Chi phí mặt bằng:
Tùy theo địa điểm và diện tích sử dụng mà giá thuê có thể cao hoặc thấp. Bạn dự trù kinh phí cho hợp đồng mặt bằng ít nhất 6 tháng và đặt cọc từ 1-2 tháng. Một vấn đề nữa cần lưu ý là về thời hạn ký hợp đồng. Thường nếu đó là mặt bằng bạn cho rằng có thể làm nơi kinh doanh lâu dài thì nên xác định kí hợp đồng dài hạn ít nhất từ 2-3 năm. Rất nhiều trường hợp chủ nhà thấy có vẻ làm ăn được nên cứ sau 6 tháng, 1 năm lại tăng giá khiến nhiều người không trụ được. Thông thường, nếu tăng giá thì con số 10%/ năm là có thể chấp nhận được.
Chi phí thiết kế và trang trí:
Chi phí này sẽ bao gồm sửa chữa, thiết kế lại mặt bằng quán. Bổ sung các khu vực như quầy pha chế, bồn rửa, toilet, mua bàn ghế, đồ vật trang trí. Ngoài ra còn cần có tủ lạnh, máy ép, dụng cụ pha chế, các loại ly chuyên dụng… Thông thường rơi vào khoảng 50 – 70 triệu đồng.
Chi phí mua nguyên liệu:
Để duy trì hoạt động, ngoài mặt hàng chính là cà phê, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu như sữa, socola, trà và các loại hoa quả tươi. Nguyên liệu này sẽ mất khoảng 10-15 triệu/tháng. Tuy nhiên đây chỉ là con số "tham khảo" bởi bạn mới là người biết rõ nhất mô hình và quy mô của mình sẽ cần bao nhiêu nguyên liệu đầu vào.
Chi phí vận hành:
Tùy thuộc vào quy mô của quán mà mức chi phí có thể khác nhau bao gồm tiền lương thưởng cho nhân viên, tiền điện, nước, marketing, khấu hao,…Những tháng đầu mới khai trương có thể chưa đông khách, thậm chí phải bù lỗ nên bạn cần một số vốn nhất định để duy trì hoạt động cho quán, ít nhất là trong 6 tháng.
Chọn địa điểm mở quán cà phê
Địa điểm là yếu tố quyết định 80 – 90% thành công khi mở quán cà phê. Bạn nên chọn mặt bằng quán ở những khu vực đông dân cư, gần với nhóm đối tượng khách mục tiêu. Tránh những mặt bằng tại quá sâu trong ngõ ngách, giao thông không thuận lợi.
Lưu ý khi chọn địa điểm là xem mặt bằng đó có nằm trong quy hoạch, sắp bị phá dỡ không? Chủ nhà có cho phép thay đổi không gian mặt bằng không? Nhà có quá cũ nát để sửa sang lại không? Người ta có hay lui tới khu vực này để mua sắm, giải trí, ăn uống không?
Thiết kế quán
Mỗi mô hình quán cà phê nên theo đuổi một phong cách của riêng mình. Tùy vào định hướng của chủ quán mà sẽ có những thiết kế nội thất quán cho phù hợp. Ví dụ như: nếu theo phong cách sang trọng, tối giản thì từ màu sắc đến các vật dụng trong quán đều phải đơn giản, có nhiều không gian để khách tận hưởng. Ngược lại đối với những quán theo đuổi phong cách trẻ trung, năng động sáng tạo thì màu sắc vui nhộn, sặc sỡ, thiết kế mới lạ độc đáo, nếu theo phong cách hoài cổ, các thiết kế và vật dụng trong quán sẽ hơi hướng hoài niệm gợi nhớ không gian xưa cũ.
Hoàn thiện thủ tục pháp lý
Để mở quán cà phê, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ gồm:
(1) Giấy phép đăng ký kinh doanh. Bạn cần đến UBND quận (huyện) hoặc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh/thành phố và làm theo hướng dẫn;
(2) Giấy Chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền cấp chứng nhận
Theo cafebiz.vn