Hen suyễn là bệnh hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí. Khi xuất hiện cơn hen, lớp niêm mạc phế quản sưng lên, dễ kích ứng, tăng tiết chất nhầy, co thắt cơ trơn, làm thu hẹp các đường dẫn khí, từ đó giảm lưu lượng khí ra vào phổi. Người bệnh thường ho, khó thở, tức ngực, khò khè, suy hô hấp nếu tình trạng phù nề tăng nặng.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bị hen suyễn có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc, tái khám đúng hẹn và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Trong đó, uống đủ nước, khoảng 1,5-2 lít mỗi ngày, giúp làm ẩm đường thở, loãng dịch nhầy, tăng lưu thông khí, tránh khó thở, giảm các triệu chứng hen và nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, không phải loại thức uống nào cũng thích hợp với người bệnh hen, chẳng hạn cà phê.
Theo bác sĩ Lan, trước đây nhiều người lầm tưởng cà phê tốt cho người bệnh hen. Do caffein trong thực phẩm này có tác dụng tương tự với theophylline, một loại thuốc cũ điều trị thở khò khè, hơi thở nặng nề, tức ngực trong bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, hiệu ứng này là tạm thời, không có tác dụng ngay sau khi sử dụng, chỉ kéo dài 2-4 giờ. Người bệnh nạp nhiều caffein có thể khiến nhịp tim nhanh, tăng cơn đánh trống ngực, gây khó thở, thở nông, nhịp thở ngắn, khó ngủ, căng thẳng, kích động. Lúc này triệu chứng hen suyễn dễ khởi phát hoặc tiến triển nặng.
Thầy thuốc ưu tú, TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, cho biết cà phê muối còn chứa nhiều axit như chlorogenic, N-alkanoyl-5-hydroxytryptamide. Nếu uống nhiều làm tăng nồng độ axit trong dạ dày, tăng co thắt ruột, làm khởi phát các triệu chứng trào ngược, ợ nóng, kích thích cơn ho. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 25% trường hợp ho kéo dài trên 8 tuần. Caffein trong cà phê có thể khiến môi trường khoang miệng bị mất nước nhẹ, dẫn đến khô miệng, kích ứng họng và ho. Người bệnh hen ho nhiều dễ bị tức ngực, tăng nguy cơ khởi phát cơn hen.
Pha trộn thêm nhiều nguyên liệu như muối, kem, sữa đặc giúp giảm vị đắng của cà phê. Trong khi, lượng caffein, axit không giảm nên không thể hạn chế ảnh hưởng của những chất này đến dạ dày, khoang miệng, hệ thần kinh, phản ứng phế quản. Uống cà phê muối thường xuyên làm tăng lượng muối tiêu thụ, có khả năng gây giữ nước, phù nề, ứ dịch trong các khoang như ổ bụng, màng phổi, tăng tình trạng viêm, sưng tấy đường thở.
Bác sĩ Lan cho biết tiêu thụ nhiều cà phê muối tăng nguy cơ béo phì. Ngoài hàm lượng đường sữa cao, uống cà phê muối dễ gây khát nước nên người bệnh có nhu cầu bổ sung nhiều nước.
Bác sĩ giải thích nước uống vào được điều chỉnh trong lòng mạch, tích lại trong các không gian, tổ chức tế bào, khiến tăng cân. Trong khi, ở người béo phì, khả năng co giãn của cơ hoành bị ức chế, từ đó làm giảm độ nở của lồng ngực, thể tích khí lưu thông. Những lắng đọng mô mỡ ở hầu họng có thể thu hẹp đường thở, tăng sức cản đường thở, gây khó thở. Tình trạng này có thể làm tăng sản xuất các chất trung gian gây viêm, tăng tình trạng viêm đường thở và phản ứng đường thở. Bệnh nhân hen suyễn béo phì có xu hướng tăng nguy cơ nhập viện gấp 4-6 lần so với người bệnh không béo phì.
Thành phần đường, sữa tạo vị ngọt đậm đà trong thức uống này có thể làm tăng tình trạng viêm, sản sinh chất nhầy nếu dùng thường xuyên. Theo bác sĩ Lan, người bệnh nên hạn chế dùng cà phê muối. Người bệnh cần làm xét nghiệm chức năng phổi (PFP) để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh hen, nên tránh đồ uống này ít nhất 4 giờ.
Người bệnh nên sử dụng nước lọc, nước canh rau củ, nước ép trái cây tươi. Chẳng hạn nước ép cà chua chứa nhiều chất chống oxy hóa lycopene, có tác dụng làm giảm lượng bạch cầu trung tính đi vào đường thở và hoạt động của elastase bạch cầu trung tính trong đờm chỉ sau 7 ngày bổ sung. Các loại trà thảo mộc như trà gừng, trà xanh, trà đen, trà cam thảo... khi được sử dụng đúng cách cũng giúp giảm viêm, thư giãn cơ hô hấp. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý các loại trà này không thay thế cho các thuốc điều trị bệnh.
Theo vnexpress.net
>> Cạnh tranh vô duyên kiểu trà sữa Pozza Tea: Chê thẳng mặt Gong Cha thu phí nhượng quyền 3-5 tỷ đồng
>> In ly nhựa trà sữa như thế nào để tăng trải nghiệm khách hàng?