5 cách uống cà phê dễ gây tăng cân

Thứ ba, 12/03/2024 | 23:18 GMT+7

Cà phê với hương vị đậm đà, mùi thơm lôi cuốn, được nhiều người trên thế giới yêu thích. Đồ uống này cũng mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy sự tỉnh táo, cải thiện năng suất làm việc.

Tuy nhiên, cách thức pha chế và thời điểm uống có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Dưới đây là thói quen uống cà phê tiềm ẩn nguy cơ tăng cân dù tập thể dục thường xuyên, ăn lành mạnh, ngủ đủ giấc.

Uống cà phê có đường

Một trong những thói quen uống cà phê phổ biến của nhiều người, đôi khi khó bỏ, là cho nhiều đường. Hầu hết cà phê có hương vị đều chứa nhiều đường bổ sung, góp phần tạo ra lượng calo rỗng. Người uống thường xuyên có thể tăng mỡ bụng và thừa cân.

Dung nạp nhiều calo rỗng cũng có thể phá vỡ sự cân bằng lượng đường trong máu, dẫn đến cảm giác thèm đường, thèm ăn, khó đạt mục tiêu giảm cân.

Cà phê giúp mang lại cảm giác tỉnh táo nhưng nếu chọn loại chứa nhiều đường, sữa, kem có thể gây bất lợi cho người giảm cân. Ảnh: Freepik

Cà phê giúp mang lại cảm giác tỉnh táo nhưng loại nhiều đường, sữa, kem không tốt cho người giảm cân. Ảnh: Freepik

Dùng nhiều sữa hoặc kem

Một số loại cà phê có thêm lớp sữa, caramel, sốt, kem, chocolate hoặc các chất phụ gia khác phủ trên bề mặt để tạo sức hấp dẫn. Chúng đều có thể làm tăng lượng đường, calo và chất béo mà cơ thể hấp thụ. Người giảm cân nên hạn chế liều lượng (uống ly nhỏ) hoặc chọn loại ít đường và chất béo hơn.

Uống thay bữa ăn

Một số người uống cà phê thay cho bữa ăn lúc bận rộn để nạp thêm caffeine, tỉnh táo hơn và giảm đói. Tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể tác động tiêu cực do đi ngược lại với nhu cầu của cơ thể.

Cà phê thường có lượng calo cao, nhiều đường và gây béo, không thể thay thế bữa ăn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Chúng có thể khiến đường huyết cao, tăng cảm giác thèm ăn và ăn quá nhiều sau đó. Ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc nếu bạn thường xuyên mệt mỏi thay vì uống cà phê.

Uống khi bụng đói

Cà phê kích thích sản xuất hormone cortisol giúp tỉnh táo, phản ứng nhanh và tập trung vào những giờ đầu ngày. Một số người uống cà phê khi đói, nhất là vào buổi sáng, khi nồng độ hormone căng thẳng cortisol cao.

Hormone cortisol tăng kéo dài có thể ảnh hưởng đến não và lượng dư thừa dẫn đến viêm. Hậu quả khác là gây thừa cân do tăng cảm giác thèm ăn không lành mạnh hoặc tiêu thụ quá nhiều trong các bữa.

Uống trước khi đi ngủ

Cơ thể mất khoảng 6 giờ để đào thải caffeine. Chất này có thể làm gián đoạn giấc ngủ lành mạnh, nhất là khi uống gần giờ lên giường. Chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng đến cân nặng do tăng lượng hormone gây đói (ghrelin) và giảm lượng hormone cảm thấy no (leptin).

Thiếu ngủ còn dẫn đến mệt mỏi, thiếu tỉnh táo khiến một người dễ đưa ra lựa chọn dinh dưỡng thiếu lành mạnh.

Theo vnexpress.net

>> Thai phụ uống trà sữa được không?

>> Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ ít ai ngờ của cà phê và sức khỏe tim mạch

Tin liên quan

© Copyright 2019 Công ty Hoa Đăng. Designed by Nina.vn Đang online: 11 - Tổng truy cập: 1998115