Bỏ phố về rừng đã từng được ví như thú vui của những người có tiền hay của những người đã bước đến độ tuổi nghỉ hưu, muốn tận hưởng cuộc sống điền viên, tao nhã. Nhưng, giờ đây xu hướng này đang ngày trẻ hoá. Thực tế, càng ngày càng nhiều người trẻ sẵn sàng gia nhập vào làn sóng này. Ngay cả khi họ sở hữu một công việc thu nhập lương cao, một căn nhà giá trị giữa Hà Nội thì họ vẫn khao khát được sống khác, không xô bồ, bon chen với áp lực của thành thị.
Một chuyên gia từ lĩnh vực địa ốc đã từng nhận định rằng, bỏ phố về rừng là xu hướng tất yếu. Những người trẻ sẽ trở thành "nhân tố" chính trong làn sóng này bởi họ là nhóm dám nghĩ, dám làm, chấp nhận thử thách. Ngoài khát vọng chinh phục thử thách mới, tìm kiếm không gian sống trong lành với núi rừng, họ muốn tự do về tài chính bằng công việc kinh doanh từ chính quyết định mua đất rừng làm homestay, farmstay.
Câu chuyện của chị Mai Anh (9X, Hà Nội) là điển hình. Hai vợ chồng chị từng có công việc ổn định Hà Nội. Nhưng áp lực công việc khiến hai vợ chồng chị phải dành nhiều thời gian cho các chuyến du lịch để cân bằng lại cuộc sống.
Chị Mai Anh trong một lần trả lời phỏng vấn.
"Năm 2008, chồng tôi đã có dịp lên Tà Xùa cùng với nhóm bạn. Chồng tôi kể, lúc đó, mây đẹp lắm, vì vùng đất này trước còn hoang sơ, chưa phát triển du lịch. 100% người dân ở khu vực này là người Mông, hoang sơ và yên bình. Sau này, tôi và chồng có dịp lên Tà Xùa và lần nào cũng mê mẩn với mây ở nơi đây. Thực sự, nơi đây đẹp quá nên không muốn về vì khí hậu trong lành" – chị Mai Anh kể.
Mơ ước có một ngôi nhà ở Tà Xùa, mỗi ngày đều có thể mở cánh cửa ra hít khí trời trong lành, ngắm mây trên đỉnh núi, chị Mai Anh cùng chồng đã quyết định xin nghỉ việc, dành tiền lên đây mua đất.
"Chúng tôi xác định "liều". Con của tôi lúc đó mới 14 tháng. Hai vợ chồng về bàn với bố mẹ. Thật may ông bà đồng ý, và hứa sẽ chăm bé để hai vợ chồng yên tâm đi khai hoang".
Sau sự đồng ý của bố mẹ, chị Mai Anh và chồng đã quyết định bỏ công việc ở Hà Nội lên Tà Xùa, để bắt đầu một cuộc sống mới. "Giá đất Tà Xùa năm 2019 đã bắt đầu tăng vì người dưới xuôi đã bắt đầu lên kinh doanh homestay. Hiện tại, giá đất Tà Xùa đã đắt ngang khu vực trung tâm Hà Nội".
Không gian homestay tại Tà Xùa.
Chia sẻ về quá trình bắt đầu xây dựng homestay, chị Mai Anh kể, thực tế không hề dễ dàng, nhất là đối với vợ chồng chị đang sống, làm việc tại thành phố nhiều năm.
"Những ngày đầu, nước còn phải đi xin. Do nguồn nước trong núi đã không ổn định. 2-3 giờ sáng, hai vợ chồng còn soi đèn vào rừng chỉnh nguồn nước. Nói thật, đến giờ tôi không dám nghĩ lại khoảng thời gian ban đầu đó. Chưa kể, mùa đông trên này lạnh cóng. Nước còn cảm giác như đóng băng. Đồ ăn phải mua cách nhà 12km. Thật sự nhiều lúc muốn bỏ về xuôi vì cảm thấy thiếu thốn".
Chi phí xây dựng homestay khá đắt đỏ, nhất là đối với nơi có vị trí và khí hậu đặc thù lạnh như trên Tà Xùa.
Cũng theo chị Mai Anh, chi phí xây dựng để hoàn thiện homestay cũng vượt qua rất nhiều so với dự tính của cả hai vợ chồng. Bởi nguyên vật liệu chủ yếu vận chuyển từ xuôi lên, chi phí nhân công đắt đỏ. Để đầu tư và mở rộng mô hình, vợ chồng chị cũng phải vay ngân hàng khá nhiều.
Sau 2 năm sống tại Tà Xùa, chị cho biết, đến hiện tại, cuộc sống của vợ chồng đã ổn định. "May mắn là homestay đắt khách vì nằm ngay vị trí biển thiên đường mây nên chúng tôi được bạn bè giới thiệu nhiều. Hơn nữa, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng xuất hiện, điện nước đã đầy đủ và ổn định, nhưng có duy nhất y tế vẫn còn nhiều khó khăn"- chị Mai Anh nói.
Không gian mộng mơ nhìn từ homestay.
Theo cafebiz.vn